
Không gian trưng bày nghề làm phấn nụ, đây là loại mỹ phẩm xuất xứ từ trong chốn cung đình. Sở dĩ gọi là phấn nụ bởi viên phấn được tạo theo hình nụ hoa
Huế là vùng đất có truyền thống văn hóa phong phú, đa dạng và độc đáo mà đến nay vẫn còn được lưu giữ đậm nét, trong đó, không thể không nhắc đến vai trò chủ đạo của người phụ nữ, bằng nhiều cách khác nhau, họ đã luôn gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó. Đối với người phụ nữ Huế, phẩm chất “công, dung, ngôn, hạnh” từ xưa đã làm nên bản sắc văn hóa Huế. Ngay từ thuở còn thơ cho đến trưởng thành, phụ nữ Huế đã được người mẹ ân cần hướng dẫn để trang bị kiến thức quý giá về “nữ công gia chánh”, hầu hết phụ nữ Huế được học nữ công từ rất sớm: học thêu thùa, may vá, đan lát, làm mứt, làm bánh... Nếp gia phong này về sau được các trường nữ sinh ở Huế, đặc biệt trường Đồng Khánh, Trường Nữ Công Học Hội đề cao và đào tạo nên nhiều thế hệ phụ nữ Huế mẫu mực.
Nghề chằm nón phát triển mạnh mẽ vào giai đoạn XIX-XX với các làng nghề nổi tiếng như Phủ Cam, Dạ Lê, Đốc Sơ,…
Diễn ra từ nay đến ngày 22/01/2021, trưng bày với các ngành nghề: thêu, chằm nón, làm phấn nụ - đây là những nghề thủ công truyền thống, trong đó vai trò của người phụ nữ được thể hiện rất rõ qua các công đoạn tạo nên sản phẩm. Với đôi bàn tay khéo léo, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của người phụ nữ Huế, những sản phẩm thủ công truyền thống như tranh thêu, áo dài thêu, các vậy dụng thêu; nón lá, phấn nụ... trở nên sắc sảo và thu hút lòng người bởi lẽ các bà, các chị đã thổi hồn vào những đứa con tinh thần của mình để cho ra những sản phẩm có giá trị, nhiều sản phẩm nghề đã đạt đến trình độ tinh hoa nghề nghiệp, mang giá trị nghệ thuật cao và góp phần cho việc phát triển kinh tế của địa phương.
Với đôi bàn tay khéo léo, tâm hồn tinh tế, nhạy cảm của người phụ nữ Huế, những sản phẩm thủ công truyền thống như tranh thêu, áo dài thêu,... trở nên sắc sảo và thu hút lòng người
Trưng bày “Phụ nữ Huế với nghề truyền thống” nhằm tôn vinh các giá trị nhân văn cao đẹp, tri ân, thành kính của thế hệ hôm nay đối với nghề truyền thống của tiền nhân; đồng thời góp phần tôn vinh vai trò của người phụ nữ trong công cuộc giữ gìn, bảo tồn và phát huy truyền thống văn hóa Huế.
Xuân Đạt |