Trở thành một trong những đặc sản xứ Thần kinh, mứt gừng ở đây có hương vị không lẫn vào đâu được: vị cay ấm từ đầu lưỡi đọng lại của gừng, vị ngọt thanh hòa quyện giữa gừng và đường - hương vị làm nên thương hiệu của mứt gừng Kim Long từ biết bao lâu nay.
Được biết, củ gừng làm mứt không được già quá vì mứt sẽ bị xơ, cũng không được non để có hương vị cay nồng. Mỗi cân gừng củ sau khi gọt vỏ, bào mỏng, rửa sạch, ngâm nước. Sau đó, đun nước sôi luộc gừng, xong vớt ra để ráo, theo tỷ lệ một cân đường một cân gừng, sau khi trộn đều để ngấm khoảng một giờ cho vào chảo rim trên lửa than.
Người thợ phụ trách công đoạn này trong lớp áo dày liên tục đảo đều các chảo rim gừng trong khi hơi lửa hầm hập rất nóng. Khi gừng gần ráo nước thì nhỏ lửa dần cho đến khi đường đặc quánh lại. Cuối cùng phơi trên các giàn để đóng gói. Mỗi cân mứt gừng ở Kim Long tùy thời điểm mà có giá từ 70.000 đồng đến 80.000 đồng/kg.
“Vùng đất Kim Long từ lâu nổi tiếng với nghề làm mứt gừng, đằng sau những mẻ mứt ngon là mồ hôi và tâm huyết của người thợ để làm nên thức quà đặc sản. Chúng tôi rất vui khi được nhiều người ưa chuộng và mứt gừng luôn là thứ không thể thiếu vào mỗi dịp Tết”, ông Trần Hữu Nam - cơ sở sản xuất mứt gừng Ánh Nguyệt (TP Huế) chia sẻ.
Dưới đây là một số hình ảnh về nghề làm mứt gừng – đặc sản mỗi dịp Tết được chúng tôi ghi lại:

Người thợ tiến hành công đoạn sơ chế đầu tiên
Đôi bàn tay thoăn thoắt…
…cạo lớp vỏ ngoài củ gừng
Tiếp đến gừng được bào thành lát mỏng
Sau khi được rửa sạch, gừng được vớt ra để ráo nước
Gừng được trộn với đường cát
Những nồi mứt gừng toả khói nghi ngút trong không gian bếp nóng hầm hập
Gừng được tách ra để khi khô không bị vón lại với nhau
Từng sản phẩm được đóng gói bao bì với màu vàng nổi bật của mứt gừng
Đằng sau những mẻ mứt ngon là mồ hôi và tâm huyết của người thợ để làm nên thức quà đặc sản đến tay người dùng
Xuân Đạt |