Đây là hoạt động khởi đầu năm mới và phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các thủy vực khác như đầm phá nước lợ, biển nước mặn, nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân, xã hội có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản nói chung và môi trường thủy sinh nói riêng. Qua đó để trực tiếp tái tạo cụ thể các loài thủy sản trên các thủy vực cụ thể, bổ sung ngăn ngừa suy thoái nguồn lợi thủy sản.
Dịp này, mọi người đã thả hơn 41.000 con giống (cá lóc, cá trê, cá trắm, cá mè,…). Trong đó, ngân sách Nhà nước cấp 16.000 con; gần 25.000 con là xã hội hóa từ các tổ chức, doanh nghiệp, Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế,…
Hoạt động nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng nhân dân,
xã hội có trách nhiệm bảo vệ nguồn lợi thủy sản
Ông Nguyễn Văn Phương – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: “Hằng năm tỉnh làm rất nhiều hoạt động để bảo vệ nguồn lợi thủy sản, trong đó hoạt động quan trọng đó là tái tạo lại nguồn lợi bằng cách thả giống. Việc huy động từ ngân sách xã hội hóa thu hút nhiều tổ chức xã hội, cá nhân cùng đồng hành bảo vệ nguồn lợi thủy sản hệ đầm phá, sông ngòi trong tỉnh.”
Được biết trong năm 2020 vừa qua đã thả hơn 460.000 con giống. Trong đó hơn 426.000 con giống các loại vào đầm phá, biển (tôm sú giống, tôm sú trưởng thành, cua giống, cá kình) và hơn 34.000 con giống cá nước ngọt (cá lóc, cá trê, cá trắm, cá mè,…). Ngân sách Nhà nước là 115.000 con giống các loại; xã hội hóa là 345.000 con giống các loại.
Ngoài ra, kế hoạch tiếp theo năm nay sẽ tiếp tục đa dạng, xã hội hóa, tổ chức tái tạo nguồn lợi thủy sản vào các ngày “Đa dạng Sinh học”, ngày “Đại dương Thế giới” sẽ thả trong đầm phá Tam Giang - Cầu Hai với số lượng dự kiến hơn 570.000 con giống tôm, cua và cá kình; và thả hơn 3.000 con tôm sú trưởng thành ra biển nhằm bổ sung nguồn giống.
Xuân Đạt |