Sau nhiều năm lăn lộn để lo kinh tế gia đình, ông Dạt chợt thấy thèm một nơi yên tĩnh với thật nhiều cỏ cây, hoa lá để nghỉ ngơi, an dưỡng sau những ngày làm việc vất vả. Đó là lý do khiến ông bắt tay sưu tầm các loại cây cảnh khác nhau như mai, thông, tùng, sanh, linh sam,hoa lan...và rất nhiều loài cây xanh khác trong khu vườn của mình.
Cây thông cảnh trong vườn ông Nguyễn Văn Dạt
Cứ mỗi cây cảnh ở khu vườn này là mỗi câu chuyện riêng đầy thú vị. Đó có thể là những gốc cây hoang dại, với những gốc cây thô ráp, xù xì uốn mình len lỏi dưới những tảng đá, cheo leo trên vách núi từ các vùng quê khác nhau, hay mọc hoang dại cạnh bờ ao, ven đường; có thể là những cây được ông Dạt mua từ một người khác nhưng bằng bàn tay tài tình, khéo léo của ông nên cây được cắt tỉa, uốn nắn, chăm chút trở thành một tác phẩm đầy chất “Tình” theo như cách gọi của ông Dạt...
Ông Dạt cho biết: “Ban đầu không phải cây nào lấy về cũng có dáng, đôi khi chỉ là gốc cây trần trụi, thô tháp. Sau đó, tôi chăm sóc cho cây phát triển bình thường, khi cây có cành, ra lá thì mới bắt đầu hình thành ý tưởng, tạo dáng cho cây. Để có được một cây tạo dáng hoàn chỉnh phải mất vài năm chăm sóc, cắt tỉa, có cây mất cả chục năm. Có những lần tôi chưa ưng ý kiểu dáng như mong muốn là phải thức cả đêm để tạo dáng cho cây rồi mới đi ngủ được. Trồng, chăm sóc và tạo dáng cho cây cảnh giờ đã trở thành một phần không thể thiếu được trong cuộc sống của mình”.
Hiện nay, tại Huế có rất nhiều người chơi cây và mê cây. Nghệ thuật chơi cây đã đi vào đời sống, để lại một dấu ấn về phong cách chơi cây xứ Huế. Với ông Dạt thì: "Để cho ra tác phẩm kiểng đẹp, trước tiên phải là một người nông dân giỏi, một “bác sĩ” giỏi để cây sống và phát triển tốt, sau đó phải đặt cái tâm của mình vào trong cây kiểng, tinh túy hơn là người chơi phải hiểu và nắm rõ thuộc tính của các loại cây để từ đó có lối chăm sóc cũng như uốn nắn cây kiểng hợp lý theo các dáng kiểng mình yêu thích...Điều này phụ thuộc vào góc nhìn nghệ thuật của người chăm, nhìn cây có thể đoán ra người trồng là vậy.”
Hàng ngày ông Dạt tỉ mẩn “thổi hồn” cho cây
Chơi cây cảnh cũng là một cách để lưu giữ lại bóng thời gian, dưỡng thần giúp tâm bình khí hòa, hướng con người tới những điều chân - thiện - mỹ. Chính vì vậy, với những người “thổi hồn” cho cây như ông Dạt, họ đang thầm lặng gửi gắm những tâm tư, ước vọng, niềm tin vào cái dáng của từng tán cây, đường lượn của thân, của cành một cách giản dị nhưng thật sâu sắc.
Thanh Nga |