Theo sách sử ghi lại, năm 1301, đời vua Trần Anh Tông, vua Chăm là Chế Mân (Simahavarman III) cho một sứ bộ sang giao hảo. Vua Trần Nhân Tông là Thái Thượng Hoàng đáp lễ, theo sứ bộ ấy đi thăm Chiêm Thành; nhân đó hứa gả một công chúa cho vua Chế Mân. Năm 1306, vua Chăm dâng Châu Ô và Châu Rí (Lý) làm sính lễ để lấy em gái vua Trần Anh Tông là Công chúa Huyền Trân. Vua Trần Anh Tông đặt tên Ô Châu là Thuận Châu, Lý Châu là Hóa Châu. Sau này hai vùng đất này được sáp nhập thành phủ Thuận Hóa. Vùng đất xứ Thuận Hóa – Phú Xuân cũng được khai sinh từ đó, đến ngày nay đã hơn 700 năm.

Lễ Húy kỵ Huyền Trân Công chúa diễn ra vào mồng 9 Tết Tân Sửu
Lễ Húy kỵ Huyền Trân Công chúa nhằm tri ân, tưởng nhớ đến bậc tiền nhân đã sẵn sàng gác lại tình riêng để mưu đồ sự nghiệp, vì sự tồn vong của quốc gia, của dân tộc. Đất đai “Hai châu Ô, Lý vuông ngàn dặm” có được bởi công lao của Huyền Trân Công chúa đối với đất nước, đặc biệt là vùng Thuận Hóa xưa không gì sánh được. Huyền Trân Công chúa sống mãi trong tâm thức và tình cảm của bao thế hệ người dân Việt Nam nói chung, người dân tỉnh Thừa Thiên Huế nói riêng.
Ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế dâng hương, tri ân công lao của Huyền Trân Công chúa
Trung tâm Văn hóa Huyền Trân tại Huế là điểm du lịch về văn hoá, tâm linh và cả lịch sử khi đưa khách tham quan trở về với một sự kiện lịch sử trọng đại trong công cuộc bảo vệ và mở mang bờ cõi của đất nước ta vào thời Trần thế kỷ XIV. Năm nay do phòng chống dịch Covid-19, phần hội được BTC giản lược; mọi người dân, du khách đến dâng hương lễ húy kỵ Huyền Trân Công chúa đều mang khẩu trang, sử dụng nước rửa tay sát khuẩn. Theo bà Võ Thị Sáu (xã Phú Thượng, Phú Vang, TT Huế) cho biết: “Chúng tôi rất an tâm khi đến dâng hương vì được chuẩn bị chu đáo phòng chống dịch. Đeo khẩu trang là bảo vệ cho bản thân mình và cho mọi người xung quanh.”
Xuân Đạt
|